Dinh dưỡng cho cây cà phê bao gồm cả dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng. Thực tế cho thấy, nhà vườn canh tác cà phê thường quan tâm làm thế nào để đạt năng suất cao. Do đó thường chú trọng bón các dinh dưỡng đa lượng. Và ít chú trọng các dinh dưỡng trung vi lượng và hữu cơ. Đối với cây cà phê trồng lâu năm và bón phân không cân đối. Trong đất thường bị thiếu các nguyên tố trung, vi lượng như: Lưu huỳnh, canxi, magie, kẽm và bo.
1. Dinh dưỡng trung lượng cho cây cà phê
1.1 Nguyên tố Lưu huỳnh (S)
Tuy nhu cầu của các nguyên tố này không cao như các nguyên tố đa lượng. Nhưng khi thiếu cây cà phê sẽ bị rối loạn trao đổi chất. Và nếu nghiêm trọng sẽ biểu hiện ra trạng thái bên ngoài và ảnh hưởng đến năng suất khá rõ. Thiếu lưu huỳnh gây triệu chứng bạc lá, ảnh hưởng đến quang hợp và làm giảm năng suất. Cây cà phê cần lưu huỳnh với lượng thấp hơn so với các chất trung lượng khác. Tuy nhiên bón phân không cân đối rất dễ xảy ra thiếu hụt dinh dưỡng này. Theo nghiên cứu và kinh nghiệm, cây cà phê cần bón 30 – 50kg S/ha/năm. Lưu huỳnh được bón cho cây cà phê thông qua phân Đạm SA Sulphate Amonium – chứa khoảng 24% S và phân bón hòa tan Magie Sunphate 12,8%S.
1.2 Nguyên tố Magie (Mg)
Magie là thành phần cấu tạo của diệp lục nên có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình quang hợp và chuyển hóa năng lượng. Giúp cây sinh trưởng mạnh mẽ và là tiền đề cho năng suất cao. Cây cà phê hấp thu magie đáng kể nhưng chỉ bằng một nửa lượng Canxi. Thiếu magie lá cà phê thường có vệt/đốm vàng, vệt xuất hiện ở giữa lá rồi lan dần ra viền lá tạo thành những vệt nối đuôi nhau và thường xuất hiện ở lá già trước. Magie có thể được bổ sung thông qua một dạng phân lân, dolomite (10-18% MgO). Và phân bón hòa tan như Magie Sunphate 16% MgO, Magie Nitrate 15.4% MgO. Lượng Mg cần bón cho cây cà phê khoảng 60 – 80kg MgO/ha/năm.
1.3 Nguyên tố Magie (Ca)
Sau các nguyên tố đa lượng thì cây cà phê cần nhiều Canxi hơn các nguyên tố khác. Tuy nhiên nhiều nhà vườn lại không chú trọng đến loại dinh dưỡng này hoặc có bón nhưng chưa đạt hiệu quả. Canxi giúp nâng cao độ pH đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Đối với cây cà phê, canxi giúp cây sinh trưởng mạnh mẽ, tăng đậu trái. Biểu hiện thiếu Canxi trên cây cà phê làm lá non biến dạng, đọt không phát triển, trái non rụng ảnh hưởng đến năng suất. Theo thực tế mỗi năm cần bón khoảng 300 – 500kg vôi/ha/ha cho cây cà phê. Thành phần vôi có khoảng 90% CaO hoặc các loại phân lân cũng chứ khoảng 30 – 40% CaO. Sử dụng dòng phân bón hòa tan Canxi nitrate chứa 26,5% CaO.
2. Dinh dưỡng vi lượng cho cây cà phê
2.1 Nguyên tố vi lượng Kẽm (Zn)
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Tây Nguyên. Cứ 2-3 năm nên bổ sung các chất dinh dưỡng vi lượng bo, kẽm cho cây cà phê với lượng bón 25 – 30kg Kẽm Sunphate (23% Zn) và 10 – 15kg Borax (11% B). Nhằm đảm bảo sinh trưởng và năng suất cho cây cà phê. Tuy nhiên kẽm thường bị cố định trong đất nên để cây hấp thu hiệu quả bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun qua lá.
Theo Nguyễn Tiến Sĩ (2009) nghiên cứu cung cấp kẽm cho cây cà phê với giai đoạn kinh doanh trên đất bazan tại Dak Nông cho thấy việc cung cấp kẽm cho cà phê bằng cách phun qua lá hoặc bón vào đất đã làm tăng phẩm cấp hạt cà phê nhân và tăng năng suất từ 4,42% – 14,02%. Thiếu kẽm lá bị cong queo, ngọn rụt lại, tạo thành từng cùm lá nhỏ trên cành non. Đồng thờ gân lá còn xanh nhưng phiến là bị vàng, cây sinh trưởng chậm lại, rụng trái non. Lượng kẽm thích hợp cho cây cà phê khi bón vào đất là 25kg ZnSO4/ha/năm. Và phun qua lá theo nồng độ 0,4% giúp giảm tỉ lệ rụng trái, gia tăng năng suất và chất lượng nhân.
2.2 Nguyên tố vi lượng Boron (Bo)
Bo là nguyên tố vi lượng cũng rất quan trọng đối với cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng. Triệu chứng thiếu Bo thường bắt đầu xuất hiện ở các bộ phận non của cây. Ban đầu đỉnh sinh trưởng chùn lại, dần chết khô, các lá non biến dạng, gấp nếp và mỏng với màu xanh nhạt đến mất màu. Trong một số trường hợp, đỉnh sinh trưởng bị chết làm cây mọc thêm nhiều chồi bên. Đặc biệt thiếu Bo hoa cà phê kém phát triển, gây rụng trái non. Nghiên cứu cho thấy bón 5kg Bo/ha giúp tăng năng suất 16% (Nguyễn Công Vinh, 2007).
3. Bổ sung dinh dưỡng trung lượng và vi lượng cho cây cà phê
Canxi, Magie và Lưu huỳnh là các nguyên tố có tính di động trong đất nên dễ bị rửa trôi khi hòa tan. Và thường nông dân sẽ bón lượng lớn/đợt nên gây thất thoát nhiều. Ngược lại các nguyên tố vi lượng thì di chuyển hạn chế trong đất, khó tiếp xúc vùng rễ cây cà phê nên hiệu quả bón phân vi lượng qua đất rất thấp. Do đó, giải pháp bón phân qua tưới nhỏ giọt cho cây cà phê được đánh giá là tối ưu hơn so với các phương pháp bón phân khác. Bón tưới nhỏ giọt giúp cung cấp chính xác lượng dinh dưỡng vào vùng rễ tích cực của cây cà phê. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng. Và là tiền đề cho năng suất cao, tăng chất lượng nhân cà phê.
Cập nhật lúc: 8:54 sáng, 08/11/2024