Kỹ thuật và lợi ích của việc thay đổi mùa vụ cà phê

Kỹ thuật và lợi ích của việc thay đổi mùa vụ cà phê

KỸ THUẬT VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC THAY ĐỔI MÙA VỤ CÀ PHÊ
(Phóng sự của Khoa Học Kỹ Thuật Với Nhà Nông quay tại vườn ông Nguyễn An Khê – Một trong những vườn cà phê sử dụng thiết bị tưới nhỏ giọt của Netafim – Israel)

Niên vụ Cà phê thường được kéo dài từ tháng 2 năm này đến tháng 1 năm sau. Tuy nhiên trong quá trình canh tác cà phê, do nhiều nguyên nhân bà con hái sớm khi trái còn xanh sau đó tưới nước sớm nên niên vụ cà phê dần bị thay đổi, chỉ còn gói gọn trong 1 năm, từ tháng 1 đến hết tháng 12. Có vùng chỉ mới tháng 11 đã thu hoạch xong. Đây là nguyên nhân làm cho chất lượng cà phê ngày càng giảm. Để khắc phục thực trạng này cũng như nâng cao chất lượng cà phê, đã có nhiều giải pháp được đưa ra như thu hoạch cà phê chín, đưa giống chín muộn vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm chuyển dịch mùa vụ. Chuyên mục Khoa học Kỹ thuật với Nhà Nông xin giới thiệu chuyên mục “Dịch chuyển mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng cà phê”

Hình 1: Vườn cà phê áp dụng quy trình tưới nước bón phân qua tưới nhỏ giọt

Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam từ năm 1857, đầu tiên là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Nam, sau đó được trồng đại trà ở các vùng trung du Bắc Bộ. Đầu thế kỷ 20, cà phê bắt đầu được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên. Khi lên tới Tây Nguyên thì cây cà phê đã thực sự tìm được mảnh đất để sinh xôi và phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu về Nông nghiệp thì nguyên thuỷ, vụ cà phê ở Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 2 năm này đến tháng 1 năm sau. Cũng vào đúng giai đoạn đầu mùa khô, lúc mà biên độ trong ngày cao nhất. Đối với cây cà về thì nhiệt độ cao và biên độ nhiệt là quan trọng. Độ cao sẽ làm chậm sự phát triển của quả cà phê, tạo cho hạt cà phê cứng và nặng hơn. Biên độ giao động nhiệt cao giúp cho cà phê hình thành nên benzen vòng để thích ứng. Đây là lý do làm cho hương vị cà phê thơm đậm đà. Hầu hết các chuyên gia thử nếm cà phê trên thế giới khi tiếp cận đều đánh giá cao hương vị cà phê tự nhiên của Việt Nam.

Hình 2: Vườn cà phê vào mùa thu hoạch của gia đình ông Khê

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác cà phê, do nhiều nguyên nhân, bà con nông dân thường hái sớm khi trái còn xanh sau đó tưới nước sớm nên niên vụ cà phê dần bị thay đổi, chỉ còn gói gọn trong 1 năm, từ tháng 1 đến tháng 12, thậm chí một số vùng hết tháng 10 đã thu hoạch xong.
Thu hoạch sớm đồng nghĩa với việc hạt cà phê không tích luỹ được đầy đủ các dưỡng chất và hương liệu. Thêm vào đó, thời điểm tháng 9 tháng 10 Tây nguyên vẫn còn mưa cuối mùa nên cà phê sau thu hoạch không có sân phơi dẫn đến ẩm mốc. Đây là một trong những yếu tố làm cho chất lượng cà phê ngày 1 giảm.
Để đưa cà phê về đúng với mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng cà phê có nhiều giải pháp được đưa ra như thu hoạch cà phê chín, đưa giống chín muộn vào sản xuất, áp dụng khoa học tiên tiến nhằm chuyển dịch mùa vụ.

Những năm gần đây gia đình ông Nguyễn An Khê trú tại xã Chư Mgar, Daklak đã áp dụng triệt để Khoa học kỹ thuật và Cơ giới hoá vào việc canh tác từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Tuy nhiên, theo ông Khê, quan trọng nhất, là ông đã chuyển dịch thành công niên vụ cà phê như trước đây.

Hình 3: Ông Khê đang chia sẻ phương pháp thay đổi mùa vụ cà phê

Ông Khê cho biết, bắt đầu tháng 9 là chín bói và tới tháng 11 là thu hoạch, đối với hệ thống tưới nhỏ giọt thì hiện nay vườn đang thử nghiệm năm thứ 2 cho việc khi dứt mưa cở khoảng vào tháng 9 vườn vẫn tưới nước và bón phân bình thường thêm 2 tháng nữa. Việc tưới nước bón phân này sẽ giúp cho cây không bị phân hoá mầm hoa quá sớm và chín muộn hơn. Việc này có những lợi ích như giảm áp lực trong nhân công thu hoạch do tránh được mùa cao điểm. Thời điểm thu hoạch là thời điểm không có mưa, trời nắng giúp cho việc thu hoạch, phơi khô và chế biến thuận lợi giúp cà phê có chất lượng tốt hơn. Vào giai đoạn này cây tích luỹ nhiều chất khô và nhiều hương vị hơn.
Để có thể kéo dài thời gian tưới nước và bón phân nhằm giúp trái cà phê không chín sớm và kéo dài đến tháng 12, gia đình ông Khê đã lắp hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, để vận hành tưới nước và bón phân cho 10ha cà phê, chỉ cần 2 nhân công.
Thông thường tới tháng 9 là chấm dứt mưa, nông dân không bỏ phân nữa. Với phương pháp đang áp dụng, chu kỳ cây cà phê sẽ kéo thêm 2 tháng nữa, với việc cung cấp đủ nước và dinh dưỡng và kéo dài thời gian như vậy, kích thước hạt sẽ tăng lên do giai đoạn từ tháng 9 trở đi là giai đoạn tạo nhân cà phê và kích thước quả đồng đều từ đầu đến cuối cành.

Hình 4: Tưới bung hoa cho cà phê

Khi chuyển dịch mùa vụ thì thời gian thu hoạch cà phê sẽ rơi vào tháng 1. Sau giai đoạn siết nước và thu hoạch thì quá trình phân hoá sẽ diễn ra mạnh hơn do được cung cấp đủ dưỡng chất trước đó. Thêm vào đó, ở giai đoạn tưới nước bung hoa thì ở Tây Nguyên sẽ không còn những trận mưa thất thường hoa sẽ nở đồng đều không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Khi hoa nở đồng loạt, cùng với việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất và nước tưới thì hạt cà phê cũng chín đồng loạt tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hoạch.
Như vậy, cùng với việc tạo ra các giống cà phê chín muộn của các nhà khoa học, thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong điều chỉnh mùa vụ cũng là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế, các nông hộ chưa dám mạnh dạn áp dụng do sợ không đủ nước cho cây. Với kinh nghiệm tưới nhỏ giọt cho cà phê liên tục trong 12 năm qua, ông Khê khẳng định rằng tưới nhỏ giọt đủ nước cho giai đoạn bung hoa.

Hình 5: Vườn cà phê của gia định ông Khê đang thời kỳ bung hoa

Để cây đủ sức ra hoa, cà phê cần được cung cấp 150 – 180l/cây cho ngày đầu tiên, như vậy đối với phương pháp truyền thống thì cần tưới gấp 2 lần đó vì hiệu suất xử dụng nước ở cà phê ở phương pháp tưới truyền thống là dưới 50%. Đối với tưới nhỏ giọt, hiệu suất sử dụng nước cao hơn, 80% nên chỉ cần tưới khoảng 200 – 250l/cây thì cây có thể lấy đủ nước cho việc ra hoa.
Việc tưới nước và bón phân liên tục cho cây cà phê, qua hệ thống tưới nhỏ giọt, bộ rễ sẽ tập trung quanh khu vực đường ống tưới. Khi hoa đã cương lên đồng loạt thì việc tưới ra hoa rất đơn giản. Một kỹ thuật khác cần lưu ý là thời điểm tưới. Hãy chọn thời điểm tưới khi trời nắng, nó nhẹ, lúc mà cây có độ bốc thoát hơi nước cao cây sẽ hút nước mạnh.
Bên cạnh những lo lắng về hiệu quả về đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cũng được nông hộ quan tâm. Trong thời điểm giá cà phê bấp bênh và biến đổi khí hậu luôn xảy ra thì làm thế nào để thu hồi vốn đầu tư luôn được người nông dân lo lắng.

Theo ông Khê, chi phí đầu tư cho 1 ha cà phê là khoảng trên 50tr,  một năm có thể tiết giảm được 15tr chi phí nhân công, phân bón và năng lượng phục vụ cho việc tưới. Nếu sử dụng hiệu quả, năng suất cà phê sẽ tăng từ 10 – 15%. Một vườn 4 tấn thì khi sử dụng hệ thống tưới, năng suất có thể đạt được 4.5 tấn. Sau 1.5 năm đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt thì sau 1.5 năm có thể thu hồi được vốn, trong khi đó hệ thống tưới có thể sử dụng từ 18 – 20 năm. Việc vận hành chăm sóc vườn cũng đơn giản vì hệ thống vận hành tưới nước bón phân cho cả 10ha cà phê chỉ cần 2 công nhân. Nước và phân bón cung cấp chủ động qua hệ thống tưới mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết sẽ giúp cây sinh trưởng phát triển và cho năng suất tốt hơn.
Như vậy, trong tình hình khí hậu luôn biến đổi phức tạp và giá cà phê thiếu ổn định như hiện nay, thì việc áp dụng tưới nhỏ giọt trong chuyển dịch mùa vụ để nâng cao năng suất, chất lượng là hết sức cần thiết. Quan trọng là các nông hộ cần mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất cũng như sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
(Viết lại từ phóng sự “Kỹ thuật và Lợi ích của việc thay đổi mùa vụ cà phê” của chuyên mục Khoa Học Kỹ Thuật Với Nhà Nông quay tại vườn ông Nguyễn An Khê – Một trong những vườn cà phê sử dụng thiết bị tưới nhỏ giọt của Netafim – Israel)