Trang chủ»Phóng Sự: Mô Hình Tưới Nhỏ Giọt Cho Mía Đồi
Phóng Sự: Mô Hình Tưới Nhỏ Giọt Cho Mía Đồi
Một trong những khó khăn lớn nhất khi canh tác cây mía đồi, đó là vấn đề nước tưới. Bằng việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Netafim – Việt Nam. Nhiều hộ nông dân trồng mía đồi đã được giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí làm thay đổi căn bản năng suất của cây trồng.
Theo chân đến trang trại trồng mía đường của ông Cao Hùng Tính ở xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu về mô hình áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho mía đồi. Đã nhiều năm trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường Lam Sơn. Nhưng đây là vụ đầu tiên ông Tính có được cảm giác yên tâm, nhàn hạ khi phải đối mặt với những đợt nắng hạn gay gắt.
Trước kia với cách tưới tràn trên bề mặt, người lao động phải vác vòi nước chạy cật lực khắp đồi dưới trời nắng gay gắt vô cùng vất vả. Công lao động cao, hiệu quả thấp, bởi nước chỉ tràn trên bề mặt chứ chưa đủ thấm vào gốc mía.
Bây giờ với hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ cần động tác khởi động máy bơm là có thể ung dung đứng nhìn những giọt nước mát lành tý tách thấm sâu vào từng gốc mía. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt thực sự đã giải phóng sức lao động, tiết kiệm tối đa chi phí nhân công và nhiên liệu.
Nông dân Cao Hùng Tính cho biết: “Mọi khi tưới tràn, với cái giá dầu như mấy năm trước thì bình quân một hecta phải tốn khoảng 150,000 – 200,000đ. Nếu mà tôi tưới nhỏ giọt cho một hecta thì chi phí chỉ khoảng 90,000 – 100,000đ thôi. Mặc khác nếu mà đủ dây đủ vòi cho nhân công tưới tràn thủ công thì cũng phải 10 công tưới trong một ngày. Giá lao động 50,000đ/công/ngày thì phải tốn 500,000đ/ha. Trong khi đó tưới nhỏ giọt chỉ chi trả chi phí cho tiền dầu thôi. Còn tất nhiên chi phí đầu tư công nghệ thiết bị sẽ khấu hao lâu dài chứ không phải chỉ tưới một lần. Qua vụ mới vừa làm thì gia đình nhận thấy tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm như vậy.”
Trước đây khi áp dụng hệ thống tưới tràn cần phải có nguồn nước lớn. Hiện nay với hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, ông Tính có thể khai thác nhiều nguồn nước tưới khác nhau. Tùy theo nhu cầu và điều kiện như nguồn nước ngầm từ giếng khoan, nguồn nước sông, suối, hồ đập.
Việc tưới nhỏ giọt thấm sâu nuôi dưỡng cây mía. Kể từ khi bắt đầu đặt hom điểm trồng mía trùng với mùa khô hàng năm, tưới nhỏ giọt có thể đảm bảo một trăm phần trăm lên mầm và vươn sóng. Niên vụ mía 2010 – 2011 trong khi nhiều hộ phải đầu tư hom giống lần hai, trồng lại hoặc dặm lại do hạn hán thì toàn bộ diện tích mía được tưới nước nhỏ giọt trong trang trại ông Tính đã vươn mầm xanh tốt.
Theo nông dân Cao Hùng Tính cho biết: “Cây mía trồng xuống mà tưới được ngay thì độ nảy mầm rất tốt và độ đồng đều cao nó không bị mất khoảng. Thứ hai là trong chu kỳ cây mía, thời kỳ hạn hán mà tưới được nước như thế là cây phát triển nhanh. Cho nên ruộng mía tôi trồng cuối tháng hai dương lịch. Mà nay mới là tháng đầu tháng sáu dương lịch, bốn tháng mà cây mía nó lên cao thế này, có thể là vươn lên một hai lóng. Cùng một thời gian trồng hoặc thậm chí người ta trồng trước tết mà mía nhà tôi vẫn cứ phát triển cao hơn hẳn mía người ta. Chính vì thế nước là yếu rất quan trọng trong canh tác cây mía”.
Trước kia, khi bón phân cho cây mía, người nông dân phải cày rạch hàng, bón phân rồi lấp đất rất vất vả. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thời tiết nắng mưa bất thường dẫn đến phân bón bị bay hơi hoặc rửa trôi. Bây giờ áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt không chỉ có ý nghĩa trong việc cung cấp nước cho cây mía mà còn được áp dụng để cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Giải pháp tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm công lao động lại giảm thất thoát do phân bón thấm sâu, thấm trực tiếp vào từng gốc mía.
Ông Tính phấn khởi trò chuyện “Trong tưới nhỏ giọt này mình có kết hợp được cả phân bón và thuốc trừ sâu qua hệ thống tưới nên giảm được công lao động. Chỉ cần nổ máy lên, tưới một ca trong bốn tiếng được một hecta nên tôi thấy là rất nhàn, là quá thành công rồi. Tôi đang dự kiến là năng suất mía như năm nay có thể tăng 15 – 20%. Với một cách tính đơn giản, theo cách trồng ngày xưa khoảng cách hàng cách hàng là 1,1 mét, thì 2,2 mét sẽ được 3 hàng mía. Nhưng khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thì 2,2 mét tôi trồng được bốn hàng mía. Do đó chắc chắn là năng suất phải cao hơn so với năm ngoái. Điều này nhiều anh chị khác trong hội phải thừa nhận.”
Trong thâm canh cây mía đồi, khó khăn về nguồn nước là một trong những nguyên nhân chính khiến cây mía hạn chế về năng suất sản lượng. Do đó áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chính là biện pháp cải thiện năng suất, chất lượng của cây mía đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho người trồng mía. Từ thực tế áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vào thân cây mía đồi. Ông Cao Hùng Tính rất phấn khởi và mong muốn công nghệ này sẽ được nhiều hộ nông dân trồng mía không chỉ trong vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường Lam Sơn áp dụng.
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Netafim Israel đã được áp dụng thành công trên nhiều loại cây trồng và ở nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới. Bà con nông dân trồng mía nguyên liệu quan tâm tới công nghệ tưới nước nhỏ giọt. Có thể đến tham quan, học tập tại vùng nguyên liệu, mía đường Lam Sơn.