Nhìn vườn hoa cà phê nở rộ một màu trắng xóa, anh Trần Văn Mỹ, người đã đặt nhiệt huyết vào sự chăm sóc một ha cà phê theo đúng qui trình hướng dẫn để đạt kết quả như mong đợi, đang dâng trào một niềm vui khó tả. Đây là mô hình “công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước” cho cây cà phê mà Sở NN & PTNT Đăk Lăk phối hợp với UBND thành phố Buôn Ma Thuột triển khai từ năm 2013 đến nay tại cánh đồng mẫu cà phê, thôn 3, xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Mô hình này lần đầu tiên chính thức điều khiển ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để kích thích bung hoa dưới sự giám sát kiểm tra của các nhà quản lý và chuyên môn kỹ thuật. Kết quả bung hoa của vườn cà phê lần này sẽ mở ra một quan điểm nhìn nhận về công nghệ tưới nhỏ giọt Israel đối với phát triển sản xuất cà phê trên địa bàn Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với công nghệ này, nước trước khi dẫn đến cây cà phê đã được “đi” qua một “hệ thống trung tâm” với các bộ phận chính gồm máy bơm điện, đồng hồ đo lưu lượng nước, đồng hồ đo áp lực, lọc đĩa, hệ thống châm phân bón, van xả khí và các phụ kiện lắp đặt hoàn chỉnh bộ điều khiển trung tâm. Đồng hồ đo lưu lượng nước dùng để theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác, kiểm tra lưu lượng của máy bơm; đồng hồ đo áp lực nước có nhiệm vụ kiểm tra sự hoạt động của máy bơm, độ sạch của lõi lọc và sự rò rỉ nước trong đường ống; đĩa lọc làm nhiệm vụ loại bỏ những cặn bã, tạo lưu lượng nước ổn định, nước tương đối chất lượng trước khi cung cấp cho cà phê; van xả khí với mục đích giải phóng những túi khí hình thành trong suốt quá trình tưới được tạo ra do hoạt động của máy bơm, do độ dốc của địa hình hay do đường ống dẫn nước tưới có độ dốc đồng đều nhưng dài quá (500m). Việc xả những túi khí này giúp hệ thống sau khi khởi động đạt được sự đồng đều về áp suất với thời gian ngắn nhất, ngăn ngừa được sự chênh lệch áp suất do khoảng chân không tạo ra trong đường ống làm ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của dòng nước. Bộ châm phân là thiết bị châm dinh dưỡng và ống chính, đưa dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ của cây qua dây nhỏ giọt. Hệ thống Ống chính và ống nhánh khi lắp đặt được chôn sâu 30cm đến 50cm. Sử dụng dây nhỏ giọt có độ dày 0.38mm, áp lực hoạt động từ 0.4 bar đến 1.8 bar, tức là dao động trong độ cao từ 4m đến 18m thì lưu lượng của từng đầu nhỏ giọt vẫn bằng nhau (1,6 lít nước/giờ). Hệ thống đường ống nhỏ giọt được bố trí song song 2 bên gốc cà phê, cách gốc chừng 70 cm, chôn âm cách mặt đất chừng 5 – 7 cm; như vậy mỗi gốc cà phê mang theo 12 điểm nhỏ giọt (cách nhau 50 cm/1 điểm). Ưu điểm của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây cà phê, thông qua đầu nhỏ giọt tự bù áp lực nước được nhà máy sản xuất gắn chìm trong ống nhựa PE, sao cho nước và dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây cà phê trên khu vườn, giúp quản lý nước tưới và dinh dưỡng cho cây cà phê một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là điều tiết nước phù hợp sinh lý nở hoa cà phê (là cơ sở quyết định năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cà phê). Phương pháp tưới này thích ứng với những điều kiện khác nhau nên có thể sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với cây cà phê của Đăk Lăk, một vùng đất ít bằng phẳng, mùa khô kéo dài đến 6 tháng, luôn khan hiếm nước.
Căn cứ vào lượng nước cần tưới cho quá trình bung hoa cà phê mà các nhà khoa học đã tính toán trên cơ sở sinh lý của cây cà phê trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, anh Mỹ đã cho tưới kích thích nở hoa làm 2 đợt, đợt đầu thời gian tưới là 15 giờ, với lượng nước trên 1 gốc là 288 lít (12 đầu nhỏ giọt/gốc cà phê * 1,6 lít nước/đầu nhỏ giọt/giờ * 15 giờ), sau 9 ngày (từ đợt tưới đầu) đã làm nở bung tất cả những nụ hoa đã phân hóa mầm (đạt 70-80% lượng hoa/vụ). Mười lăm ngày sau đợt đầu, anh Mỹ tưới đợt 2, thời gian là 7 giờ với lượng nước là 134 lít/gốc (7giờ *1,6 lít nước/giờ* 12 đầu nhỏ giọt) đã nở hết những mầm hoa phân hóa còn lại. So với tưới tràn như trước đây, lượng nước tưới đã tiết kiệm từ 200-300lít/gốc/đợt tưới ( vì trước đây, mỗi lần tưới tràn kích thích nở hoa cà phê với lượng nước từ 600 – 700 lít/gốc.
Anh Trần Văn Mỹ cho biết, để có hiệu quả cho quá trình bung hoa đồng loạt toàn bộ khu vườn cà phê, trước đó phải tuân thủ kỹ thuật “qui trình tưới gom rễ” bằng công nghệ nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước theo hướng dẫn. Mục đích gom rễ là tập trung rễ trong vùng đất xác định, bằng cách duy trì ẩm độ và không khí liên tục trong vùng ướt dọc theo rễ cây cà phê, dải ướt liên tục sẽ tạo ra khối lượng rễ tích cực của cà phê, theo đó ngăn ngừa sự phát triển độ mặn của đất, nâng cao hiệu quả của việc hấp thu nước và chất dinh dưỡng, phát triển độ ẩm và độ thông thoáng tối ưu cho đất, tiết kiệm được năng lượng của cây trồng. Nên mặc dù, từ cuối năm 2013 mô hình “công nghệ tưới nhỏ giọt” tại vườn cà phê anh Mỹ đã được triển khai lắp ráp theo kế hoạch, nhưng đến đầu năm 2015 mới ứng dụng kỹ thuật “tưới bung hoa” sau chuỗi ngày thực hiện qui trình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo nước để gom rễ. Nếu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên một diện tích lớn sẽ tiết kiệm một nguồn nước lớn, điều này hạn chế việc thiếu nước trên những diện tích cây trồng khác của Tây nguyên vào mùa khô hạn.
Hiệu quả thiết thực anh Mỹ ghi nhận khi ứng dụng công nghệ này là hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; làm cho độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức tối ưu cho cây cà phê; làm cho vùng rễ tươi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; tiết kiệm nước tưới nên điều tiết được mạch nước ngầm của giếng khoan, phục vụ nước tưới đầy đủ cho vườn cà phê trong suốt mùa khô; giảm được 7 triệu đồng tiền phân bón trên 1 ha so với những năm trước, giảm một phần thuốc bảo vệ thực vật vì cây cà phê sinh trưởng tốt, kháng được một số loại sâu bệnh hại, giảm đến 50% công lao động (bón phân, kéo ống tưới nước, phun thuốc BVTV, làm cỏ…), bảo vệ môi trường, môi sinh; đặc biệt bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó sản phẩm cà phê sản xuất sẽ chất lượng hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu về chứng nhận VietGAP cũng như Global GAP, phù hợp cho công nghệ chế biến xuất khẩu cà phê đến các nước phát triển. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đối với cà phê sẽ bảo vệ thương hiệu cà phê của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chất lượng đối với một số nước “khó tính”trên thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước..
Cập nhật lúc: 10:34 sáng, 13/01/2021