Hội thảo “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” tại TP. HCM

Hội thảo “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” tại TP. HCM

Thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức Khoa học và Công nghệ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt và giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; ngày 23-10-2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Dương Anh Đức, thành uỷ viên, Phó chủ tịch UBND TPHCM; PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy TPHCM và ông Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM.

Về phía Liên hiệp Hội TPHCM và các tỉnh thành có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TPHCM; PGS.TS. Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội TPHCM; ông Dương Nam, Tổng thư ký Liên hiệp Hội TPHCM cùng các đại biểu đến từ Liên hiệp Hội các tỉnh, thành: Bình Phước, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh. Hội thảo còn đón tiếp đại biểu đến từ các cơ quan quản lý có liên quan; các trường, viện, trung tâm nghiên cứu; Hội Nông dân TPHCM, các nhà khoa học và các doanh nghiệp tại TPHCM: Công ty CP Công Nghệ tưới Khang Thịnh.

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay, ngành nông nghiệp mặc dù đóng góp cho ngân sách không lớn, với tỷ trọng chỉ chiếm 13,96%; và tăng trưởng chỉ đạt mức thấp 2,01%, do dịch bệnh, hạn hán, và biến đổi khí hậu, nhưng nông nghiệp lại có vai trò đóng góp lớn đối với đời sống nông dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, với nhiệm vụ cao cả là đảm bảo an ninh lương thực.

Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số ngày càng tăng nên nhu cầu lương thực cũng không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp CNC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/2/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, PGS.TS Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM khích lệ các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với kỳ vọng TP.HCM sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống, có nhiều thành tựu về các nguồn gen quý để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

PGS.TS. Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Với nhiệm vụ phổ biến kiến thức Khoa học và Công nghệ, mục tiêu của Hội thảo lần này là sự kết nối lâu dài giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp các nhà nông trong khu vực phía Nam; Chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả thành công thực tiễn áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp; Góp phần nhanh chóng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu chúc mừng và chỉ đạo tại Hội thảo

Thay mặt Đoàn chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa chúc mừng Hội thảo, đánh giá cao thành tựu của Liên hiệp Hội TPHCM trong lĩnh vực phổ biến kiến thức (nhất là ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp) và nhấn mạnh: Cần có nhiều hội thảo phổ biến kiến thức, ứng dụng những công nghệ hiện đại không chỉ vào sản xuất nông nghiệp, mà còn vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ, phát triển kinh tế biển, xây dựng đô thị thông minh, thành phố văn hoá, xây dựng và phát triển các ngành “công nghiệp văn hoá”, “công nghiệp y tế” v.v…

Tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010 – 2019 và định hướng đến 2030

Theo PGS. TS. Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội TPHCM, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 – 2019 được coi trọng; đã hình thành nhiều loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 3.922 tỷ đồng lên 5.379 tỷ đồng (tăng bình quân 6,9%/năm), chăn nuôi tăng từ 6.910 tỷ đồng lên 7.822 tỷ đồng (tăng bình quân 7%/năm), thủy sản tăng từ 4.509 tỷ đồng lên  6.354 tỷ đồng (tăng bình quân 10%/năm). Hiện nay chiếm tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 48%, thể hiện qua các lĩnh vực: cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.

PGS. TS. Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội TPHCM báo cáo tham luận “Tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM”

Về định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2030, PGS.TS. Dương Hoa Xô cho biết mục tiêu của TPHCM đến năm 2030 là nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 – 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Thành phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn và có sức cạnh tranh cao.

Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, đến năm 2030 phấn đấu 80%-90% hộ nông dân, 100% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biệp pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hoá, tự động hoá trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiến tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng các đối tượng thuỷ sản chủ yếu. Hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả doanh nghiệp trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.

Để có thể đạt mục tiêu đến 2030, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo hướng hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống có chất lượng cao.

TPHCM phấn đấu để trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” đã kết thúc thành công, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm về phát triển sản xuất nông nghiệp đi đôi với các giải pháp về môi trường, ứng dụng tiến bộ sinh học, kỹ thuật sản xuất mới trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi số trong quản lý phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nguồn: hcmusta.org.vn