Bưởi là loại cây trồng cần tưới nước đầy đủ vào giai đoạn cây con, ra hoa đậu trái và trái phát triển. Trước khi ra hoa, cây bưởi cần thời gian khô hạn khoảng 20 – 30 ngày để cây phân hóa mầm hoa hiệu quả. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi. Vào mùa mưa, cần tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.
Đối với cây bưởi, công thức tưới cho hiệu quả cao nhất cho phép duy trì độ ẩm trong đất ở mức 60 – 70% độ ẩm đồng ruộng.
Các phương pháp tưới cho cây bưởi:
1. Tưới dí gốc: Nông dân sẽ kéo ống tưới tới trực tiếp từng gốc bưởi. Ưu điểm là gần như chi phí đầu tư thấp và chủ động trong việc tưới đúng vị trí mong muốn. Tuy nhiên nhược điểm phải mất rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời nước tưới sẽ bị thất thoát qua việc bốc hơi, chảy tràn ra ngoài và lãng phí do nước sẽ bị chảy vào những nơi không cần thiết, độ đồng đều thấp, ngoài ra còn làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn, lèn cứng làm rễ cây hô hấp kém, … Phương pháp tưới này chỉ còn được áp dụng trong những nhà vườn có diện tích nhỏ. Với diện tích lớn, nông dân đang dần chuyển sang sử dụng các hệ thống tưới tự động cho cây bưởi với nhiều ưu điểm nổi trội.
2. Tưới nhỏ giọt: là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây. Phương pháp này cung cấp một lượng nước và dinh dưỡng vừa đủ và chính xác vào vùng rễ tích cực của cây trồng, chứ không có nghĩa là tưới nhỏ giọt sẽ làm giảm được lượng nước cần của cây. Nước tưới được cung cấp với khối lượng đủ cho nhu cầu của cây và cung cấp hàng ngày vào vùng tập trung của rễ tích cực, thời gian tưới dài, lượng nước nhỏ ra từ thiết bị nhỏ giọt chậm, tất cả các yếu tố này kết hợp làm cho hiệu suất sử dụng nước tưới và phân bón rất cao. Nếu cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho nhu cầu của cây qua hệ thống nhỏ giọt, cây trồng sẽ phát triển rất tốt.
Ưu điểm của phương pháp tưới nhỏ giọt cho bưởi:
- Nhu cầu về nước thấp. Rất phù hợp với những vùng nguồn nước hạn chế.
- Hệ thống có thể vận hành thường xuyên.
- Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được cung cấp qua hệ thống tưới.
- Kiểm soát chính xác lượng nước và phân bón.
- Giảm sự thất thoát và rửa trôi hoá chất vào môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai.
- Độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt được mức độ ẩm tối ưu cho cây trồng.
- Vùng rễ tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ.
- Tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng.
- Duy trì độ ẩm liên tục theo vùng rễ cây, cho phép duy trì không khí trong vùng ướt.
- Tập trung bộ rễ trong vùng ướt, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực.
- Ngăn chặn sự phát triển độ mặn của đất trong vùng ướt.
- Giảm sự phát triển của cỏ dại, tiết kiệm nhân công và chi phí diệt cỏ dại.
- Giảm sự phát sinh nấm bệnh do độ ẩm trong vườn thấp.
- Tạo điều kiện cho nhân công và máy móc cơ giới di chuyển dễ dàng.
- Giảm chi phí vận hành.
*** Tính toán nước lượng nước tưới cho cây bưởi:
Khi tính toán nhu cầu nước tưới cho cây bưởi dựa theo công thức như sau:
ETc = ETo x Kc (m3/ha)
Trong đó:
- Kc: Hệ số cây trồng. Kc thay đổi theo loại cây trồng, thời vụ canh tác và giai đoạn sinh trưởng của cây. Kc cho cây có múi nói chung khoảng 0.8 (Nguồn: Allen et.al, 1998)
- ETo: Lượng bốc thoát hơi. ETo thay đổi theo từng khu vực và theo mùa.
Ví dụ: ETo trung bình vùng Đông Nam Bộ là 5 thì lượng nước tưới cho bưởi sẽ là:
ETc = 0.8 x 5 = 4mm/ngày = 40m3/ha/ngày.
Cấu tạo hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây bưởi gồm có:
- Bộ trung tâm: Bơm, lọc, van xả khí, bộ châm phân, bộ điều khiển tự động
- Hệ thống ống chính/ống nhánh
- Hệ thống van khu vực
- Hệ thống dây nhỏ giọt
3. Tưới phun mưa tại gốc: là kỹ thuật tưới cung cấp nước làm ướt từng khoảng đất (phần hoạt động của bộ rễ) dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi trên một diện tích nhỏ xung quanh gốc cây trồng.
Ưu điểm của phương pháp tưới phun mưa:
- Hạn chế cao độ thất thoát nước do bốc hơi vì tia phun ngắn, cường độ phun và khoảng không gian làm ướt có thể được điều chỉnh cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây trồng.
- Không tạo nên dòng chảy trên mặt đất, không phá vỡ cấu trúc đất do kích thước hạt nhỏ.
- Có tác dụng cải tạo vi khí hậu khi tưới.
- Hạn chế sâu bệnh và cỏ dại phát triển.
- Tùy thiết bị có thể kết hợp tưới nước và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
- Hệ thống có thể vận hành thường xuyên.
- Tạo điều kiện cho nhân công và máy móc cơ giới di chuyển dễ dàng.
Lưu ý khi áp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa tại gốc là chi phí đầu tư cao hơn so với tưới dí gốc – tưới thủ công. Yêu cầu trình độ nhất định trong việc thiết kế xây dựng và quản lý. Đầu nhỏ giọt hoặc vòi phun có kích thước nhỏ nên hệ thống tưới bắt buộc phải có bộ lọc để tránh gây tắt nghẽn. Khuyến cáo sử dụng các loại phân bón hòa tan 100% qua hệ thống tưới nhỏ giọt và người vận hành cần am hiểu về kỹ thuật phối trộn các loại phân bón với nhau để tránh hiện tượng kết tủa gây tắt nghẽn đầu nhỏ giọt.
Cập nhật lúc: 9:57 sáng, 24/07/2024